Đại học tại Trung Quốc ngày càng thu hút nhiều sinh viên quốc tế. Ảnh minh họa: CNN.
Gracen Duffield, 45 tuổi, quyết định bán ngôi nhà ở Mỹ, bỏ dở công việc tốt đang có để tới học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Trung Quốc, nơi bà cho rằng "có những cơ hội thật sự".
Leea Tiusanen, 27 tuổi, người Phần Lan, cũng tạm rời vai trò quản lý tại một công ty bán lẻ lớn để tham gia khóa học một năm về kinh doanh tại Trung Quốc, bởi theo cô "có nhiều điều để trải nghiệm ở Trung Quốc hơn là ở châu Âu".
Còn Jonathan Oi, 25 tuổi, người Mỹ gốc Hoa, cho biết anh "trở lại quê hương" lấy bằng MBA và tạo nên sự khác biệt với những người học thạc sĩ tại Mỹ.
Ba người này nằm trong dòng sinh viên phương Tây tới Trung Quốc du học, trải nghiệm văn hóa và du lịch. Họ coi việc học ở Trung Quốc như một lợi thế giúp thuận lợi hơn trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, ngày càng có nhiều sinh viên nước ngoài đến đây học tập. Năm 2011, tại Trung Quốc có tới gần 300.000 du học sinh nước ngoài.
Việc tăng số lượng sinh viên nước ngoài bằng cách cung cấp nhiều học bổng, phát triển cơ sở vật chất, là một chiến lược có chủ đích của chính phủ, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ của Trung Quốc trên toàn cầu, và mở rộng "sức mạnh mềm" của Bắc Kinh.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ và các nước ở châu Á, châu Âu, cũng đang đầu tư vào các chương trình nghiên cứu, thường là hợp tác với chính phủ Trung Quốc, để tạo ra một thế hệ sinh viên mới hiểu biết về đất nước này.
"Việc trao đổi sinh viên gắn liền với quan hệ ngoại giao", ông Gerard Postiglione, giáo sư tại Đại học Hong Kong, nhận định.
Sức mạnh mềm của giáo dục
Hiện nay, kế hoạch 5 năm của Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục với mục đích nâng cao chất lượng tại các viện nghiên cứu, các đại học trong cả nước, để thu hút được khoảng 500.000 sinh viên quốc tế vào năm 2020, theo Tân Hoa xã.
Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng việc dạy và học tiếng Quan Thoại và tiếng Anh. Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch tài trợ 50.000 học bổng cho sinh viên nước ngoài vào năm 2015.
"Hãy để ý tới các bài phát biểu của Tập Cận Bình kể từ khi trở thành chủ tịch nước, ông cho thấy rõ Trung Quốc muốn có sức mạnh mềm và sẽ sẵn sàng đầu tư vào đó. Đây cũng là những điều mà chính phủ Trung Quốc đang thực hiện, với các chương trình giáo dục quốc tế", Yang Rui, giáo sư tại Đại học Hong Kong cho biết.
Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu cũng đang đầu tư vào những chương trình khuyến khích sinh viên nước mình tới học tại Trung Quốc. Năm 2010, Mỹ đã phát động chương trình "100.000 Strong Initiative" (100.000 sự khởi đầu mạnh mẽ) nhằm tăng số lượng sinh viên Mỹ học tập tại Trung Quốc lên 100.000 người vào năm 2014.
Những cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên về giáo dục giữa EU-Trung Quốc được tổ chức hồi tháng 4 vừa qua. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ trao 30.000 học bổng cho sinh viên các nước thuộc khối EU trong năm tới.
Hàn Quốc là nước có nhiều sinh viên theo học tại Trung Quốc nhất, với hơn 60.000 người, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Nga, Indonesia và Ấn Độ. Châu Âu cũng có gần 50.000 sinh viên học tại Trung Quốc, dẫn đầu là Pháp với hơn 7.500 sinh viên và Đức với khoảng 5.400 người.
Thử thách về chất lượng
Sinh viên quốc tế cho rằng học tập tại Trung Quốc thú vị hơn ở phương Tây và lại có mức học phí thấp hơn đáng kể. Học phí trung bình tại các trường ở Trung Quốc là khoảng 1.000 USD/kỳ, bên cạnh đó tiền thuê nhà, ăn uống và các chi phí phát sinh cũng rẻ hơn so với phương Tây.
Vấn đề được đưa ra là chất lượng giáo dục ở đại học của Trung Quốc. "Trên các bảng xếp hạng quốc tế, hệ thống giảng dạy tại đại học ở Trung Quốc không giống các nước khác, tuy nhiên nó đã được cải thiện trong những năm gần đây", Nick Clark thuộc tổ chức nghiên cứu giáo dục tại New York có tên World Education Services nhận xét.
Giáo sư Yang Rui cũng đồng ý với nhận xét trên. Ông Yang cho biết, ông nhận được nhiều khiếu nại về chất lượng giảng dạy từ phía sinh viên nước ngoài, đặc biệt là ở các trường đại học địa phương.
Darryl Jarvis đến từ Viện giáo dục Hong Kong cho hay, các trường học ở Trung Quốc rất đa dạng nhưng lại chỉ có ít trường sử dụng tiếng Anh. Ông nói: "Rào cản lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc thu hút sinh viên nước ngoài là ở phương tiện giảng dạy. Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến với các doanh nghiệp và giới học thuật, trong khi Trung Quốc không thể thay đổi điều này chỉ trong thời gian ngắn".
Học tập bằng trải nghiệm
Mặc dù có nhiều học giả Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài và đã quay về nước, việc thu hút các giáo viên và nhà nghiên cứu có trình độ cao về tiếng Anh vẫn là một vấn đề lớn đối với nền giáo dục nước này.
Paul Gillis, một giáo sư người Mỹ tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng tuy chất lượng giảng dạy tốt, Trung Quốc vẫn không thể thu hút được nhiều giáo sư nước ngoài có trình độ cao nếu như họ không được trả lương phù hợp.
"Đây là thế kỷ của Trung Quốc. Tại đây, tôi có thể đào tạo cho những bộ óc sáng lạn nhất thế giới và được va chạm nhiều hơn bất cứ nơi nào", Gillis chia sẻ về lý do chọn dạy học ở Trung Quốc thay vì ở phương Tây. "Tôi nghĩ rằng tôi có một công việc tốt nhất trên thế giới trong 29 ngày của tháng, trừ ngày cuối lĩnh lương".
Để khắc phục điều này, Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào các trường học để vượt qua khoảng cách về chất lượng giáo dục với phương Tây. Chính phủ đã có những chương trình tài trợ đặc biệt để tăng tiêu chuẩn và thù lao trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy.
Đối với những sinh viên như Jonathan Oi, tuy nhận thấy các khiếm khuyết trong chương trình giảng dạy ở Đại học Bắc Kinh, nơi anh đang theo học, Oi cảm thấy được bù lại nhờ các bài học kinh nghiệm từ bên ngoài.
"Bạn không nên đến Trung Quốc để tìm kiếm một nền giáo dục như ở phương Tây bởi bạn sẽ thất vọng", Oi nói. "Trước đây, giáo dục với tôi là tất cả những gì thuộc về sách vở và chất lượng lớp học, tuy nhiên tôi nhận ra rằng những kinh nghiệm từ cuộc sống bên ngoài còn quý giá hơn".
Thu Hằng (theo CNN )
0 Komentar