Giọng Huế ở Stanford

Giọng Huế ở Stanford
Ấn tượng của tôi về chuyến thăm ngắn ngày tại trường đại học Stanford, Mỹ là… giọng Huế! Stanford là trường đại học danh tiếng ở Mỹ, nằm cạnh thung lũng Silicon nổi tiếng và trường hợp này thường được dùng để minh chứng cho nhận định “các cụm công nghệ cao hiện đại thường quây tụ quanh các trường đại học nổi tiếng có các công trình nghiên cứu liên quan”. Còn giọng Huế ở Stanford thuộc về một người mới quen, một tiến sĩ thế hệ 8X: TS Lê Viết Quốc.



Ảnh Chụp tại lễ tốt nghiệp ở đại học Stanford ngày 16.6.2013. Từ trái sang: GS Andrew Ng, TS Lê Viết Quốc, ông Lê Viết Ái và bà Tôn Nữ Thị Huệ. Ảnh do nhân vật cung cấp.

I. Khi biết tôi sẽ đến thăm đại học Stanford, ở Việt Nam, nhiều người- nhất là dân IT nhắn nhủ, nếu có điều kiện thì nên tìm cách đến thăm các công ty, tập đoàn lớn quanh vùng như Google, Facebook, Intel, VMware… để “cho biết với người ta”!

Vừa sang đến Stanford, nhờ người quen giới thiệu, tôi được TS Lê Viết Quốc nhận lời đưa đi thăm công ty Google.

Bản lý lịch tóm tắt của Quốc rất ấn tượng: cựu học sinh Quốc học Huế, du học đại học ở Úc, từng làm nghiên cứu ở Đức; vừa hoàn thành luận án tiến sỹ ở Stanford; đã có 2 năm làm việc ở Google và mới trở thành giáo sư của trường đại học Carnegie Mellon University (CMU), một ngôi trường danh tiếng khác của Mỹ về công nghệ thông tin.

Đúng hẹn, một chiếc Toyota Corolla nhìn đã cũ tiến vào sân khách sạn và một thanh niên nhỏ bé, giản dị quần jean áo pull bước xuống. Câu chào giọng Huế đặc sệt.

Xuống xe, biết đoàn có 5 người mà xe chỉ được chở tối đa là 4 nên Quốc quyết ngay: “chừ phải đi làm hai chuyến, từ đây qua đó cũng nhanh thôi!”

Lên xe, thắc mắc đầu tiên của chúng tôi là với dáng người nhỏ bé, trẻ như vậy, khi giảng trên lớp liệu giáo sư có… run không? Vừa đánh vô lăng Quốc vừa giải thích: “Khi trước chưa quen, nói trước 10 người, 20 người cũng run. Chừ quen rồi, nói trước 1.000 người, 2.000 người cũng bình thường”. Anh giải thích thêm về chức danh giáo sư ở các trường đại học tại Mỹ. Theo đó, sẽ có các cấp với tên gọi assistant professor, associate professor và full professor. Tại CMU (Carnegie Mellon University), anh sẽ bắt đầu công việc giảng dạy của mình là assistant professor.

Quốc ít nói về mình. Trên đoạn đường từ khách sạn đến trụ sở Google ở Mountain View, anh chỉ kể chuyện ở Stanford, người ta dạy sinh viên cái gì, như thế nào.

Còn về quá trình học tập của Quốc, sau buổi gặp đó, vừa hỏi thêm, vừa kết hợp với thông tin từ trang web của đại học Stanford tôi mới tóm tắt được nét chính: tốt nghiệp Quốc học Huế năm 2000, Quốc vào đại học Bách khoa TP.HCM học 1 học kỳ thì nhận được học bổng phát triển của Úc (AusAID). Quốc ra Hà Nội học tiếng Anh 6 tháng thì sang Úc học khoa học máy tính ở ANU (Australian National University) vào năm 2001 để bắt đầu 4 năm đại học. Đến cuối năm thứ nhất đầu năm thứ hai đại học, Quốc tham dự chương trình Distinguished Scholar làm công trình nghiên cứu của ANU liên kết với NICTA (National ICT Australia). Từ giữa năm 2004, Quốc làm việc về machine learning (một chuyên ngành của bộ môn trí tuệ nhân tạo) với GS Alex Smola. Giai đoạn này Quốc cũng đã có một số bài báo được đăng trong các kỷ yếu hội thảo và một số tạp chí chuyên ngành. Đầu năm 2006, Quốc có sang Mỹ cộng tác với một nhóm nghiên cứu ở Microsoft. Năm 2007 Quốc sang Đức làm nghiên cứu với viện Max Planck Biological Cybernetics.

Cùng thời gian đó, Quốc nộp hồ sơ làm tiến sĩ ở Stanford và được chấp nhận. Quốc đến Stanford làm việc về machine learning dưới sự hướng dẫn của GS Andrew Ng. Trong thời gian nghiên cứu ở Stanfrod, từ hai năm nay, Google có lời mời cộng tác nên Quốc đến làm việc ở đây cùng nhóm với GS Andrew Ng.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào đầu năm 2013, Quốc bắt đầu nộp đơn làm giáo sư ở các trường đại học của Mỹ để theo đuổi các nghiên cứu của mình. Cuối cùng, Quốc được chấp nhận và chọn CMU là nơi làm việc sắp tới.

Theo Quốc thì các trường đại học sẽ duyệt hồ sơ cá nhân kèm theo thư giới thiệu, ý tưởng nghiên cứu, ý tưởng dạy học. Sau khi duyệt là phỏng vấn. Trong các buổi phỏng vấn, ứng viên phải trình bày hướng nghiên cứu và trả lời các câu hỏi liên quan đến nghiên cứu và dạy học.

Quốc kết luận, “đó là một quá trình vất vả”!

Đến Google, trong lúc vừa đi dạo tham quan văn phòng, cảnh quan… Quốc vừa giới thiệu về Google. Tôi trình bày rằng nói đến Google, tôi chỉ nghĩ đến… chức năng tìm kiếm trong khi quan sát thực tế, tôi không rõ cảm nhận của về Google là một trường học, một viện nghiên cứu hay là một doanh nghiệp, một tập đoàn? Quốc nói ngắn gọn: “Google không chỉ là tìm kiếm. Ở Google, người ta luôn muốn tập hợp những người hàng đầu”.

Về công trình của nhóm các GS và nghiên cứu sinh thuộc đại học Stanford làm việc ở Google mà Quốc đang tham gia, anh giới thiệu đơn giản là “mô phỏng não người”. Đó là nghiên cứu về mạng neuron, tìm cách dùng nhiều máy tính chạy cùng một lúc, tạo ra bộ não để có thể nhận biết các vật thể.

Nghiên cứu này được giới thiệu trên New York Times trong bài “Bao nhiêu máy tính để nhận biết một con mèo? 16.000” (tạm dịch từ nguyên văn “How many computers to identify a cat? 16,000″) xuất bản ngày 25.6.2012. Theo đó, trong công trình này, “các nhà khoa học của Google đã tạo ra một trong những mạng thần kinh lớn nhất bằng cách nối 16.000 bộ vi xử lý máy tính với nhau bằng một tỉ kết nối. Sau đó, bộ não nhân tạo này được cung cấp 10 triệu ảnh thumbnail chọn ngẫu nhiên trên youtube. Tiếp theo, bộ não được giới thiệu 20.000 vật thể khác nhau và nó bắt đầu nhận ra hình ảnh con mèo bằng cách sử dụng những thuật toán chuyên sâu. Những bộ vi xử lý này kết nối lỏng trên internet để tự học và sau đó tự nhận ra đâu là hình ảnh một con mèo cho dù không hề được “dạy” rằng một con mèo trông như thế nào. Thuật toán này có thể nhận diện những vật thể phổ biến trên youtube như người, vật nuôi, xe cộ… với độ chính xác cao. Trong khi nhiều công nghệ tự nhận thức khác đều có con người đứng sau giám sát quá trình tự học và phải giúp máy tính xác định trước các vật thể thì công nghệ mà Google thí nghiệm không có sự giúp đỡ này”.

Theo TS Lê Viết Quốc, đây là một bước tiến trong trí tuệ nhân tạo vì nhận dạng vật thể trong những bức hình từ lâu đã được coi là một vấn đề rất khó khăn.

Bài báo trên New York Times nhận định nghiên cứu này dẫn đến sự phát triển quan trọng trong nhiều lĩnh vực như chế tạo những chiếc máy có khả năng nhận thức, quan sát, máy hiểu tiếng nói, hay các bộ máy chuyển ngữ, dịch thuật.

II. Hai ngày sau buổi thăm Google, chúng tôi được Quốc mời tham dự bữa cơm với ông bà Lê Viết Ái, Tôn Nữ Thị Huệ là ba mẹ của Quốc vừa từ Việt Nam sang dự buổi lễ tốt nghiệp năm 2013 ở Stanford. Quốc chọn một quán ăn nhỏ trên đường California gần đại học Stanford.

Gặp nhau, khi một người trong đoàn tự giới thiệu là đồng hương ở Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế, ông Lê Viết Ái ngạc nhiên làm quen bằng chất giọng đặc Huế: “Nhà tôi cũng ở Hương Thủy, ngay phường Thủy Dương”.

Ông kể, suốt những năm học phổ thông cấp 3, Quốc vẫn hàng ngày đạp xe từ Thủy Dương đến Huế. Rồi Quốc ra nước ngoài du học, thỉnh thoảng vài ba năm cũng có lần về thăm nhà chừng mươi ngày lại đi. Thấm thoắt 13 năm trôi qua, chàng trai sinh năm 1982 nay đã là tiến sĩ, giáo sư của một trường đại học ở Mỹ. Nhưng đây mới là lần đầu tiên ông bà Lê Viết Ái, Tôn Nữ Thị Huệ biết đến môi trường học tập sinh sống của con ở nước ngoài.

Câu chuyện nhắc nhiều đến việc học hành, hội nhập của cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ. Quốc kể về lần đến một trường đại học giảng dạy, tập thể sinh viên Việt Nam ngạc nhiên với vị giáo sư thế hệ 8X người Việt. Sau buổi giảng, họ tập hợp lại, nấu một bữa ăn thuần túy Việt Nam mời giáo sư. “Những lần đi dạy như vậy thật vui”, Quốc nói.

Quốc cho biết, sau hè năm 2013, anh sẽ có buổi lên lớp đầu tiên ở CMU trong môn trí tuệ nhân tạo.

Trở lại câu chuyện lên lớp giảng bài, mọi người cười đùa là vị giáo sư trẻ bước vào lớp, có khi sinh viên lại không nghĩ anh là giáo sư. Có lẽ Lê Viết Quốc đã từng gặp những tình huống như vậy. Vị tiến sĩ 31 tuổi hóm hỉnh trào lộng như tự phê bình: “Người làm nghiên cứu nghĩ thân hình của mình chỉ có nhiệm vụ là mang cái đầu từ chỗ này sang chỗ khác để nói ra cho người ta nghe cái mà mình đang nghĩ”, rồi nói tiếp: “Ở đây người ta tôn trọng mình lắm. Người mình to hay nhỏ, già hay trẻ đâu có sao. Quan trọng là mình nói cái chi, giảng cái chi. Người làm nghiên cứu thường coi cái đầu là đáng kể nhất chứ chi nữa!”

Theo Hy Hưng (Sài Gòn Tiếp Thi)

Sức mạnh mềm của giáo dục Trung Quốc

Sức mạnh mềm của giáo dục Trung Quốc

Đại học tại Trung Quốc ngày càng thu hút nhiều sinh viên quốc tế. Ảnh minh họa: CNN.

Gracen Duffield, 45 tuổi, quyết định bán ngôi nhà ở Mỹ, bỏ dở công việc tốt đang có để tới học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Trung Quốc, nơi bà cho rằng "có những cơ hội thật sự".

Leea Tiusanen, 27 tuổi, người Phần Lan, cũng tạm rời vai trò quản lý tại một công ty bán lẻ lớn để tham gia khóa học một năm về kinh doanh tại Trung Quốc, bởi theo cô "có nhiều điều để trải nghiệm ở Trung Quốc hơn là ở châu Âu".

Còn Jonathan Oi, 25 tuổi, người Mỹ gốc Hoa, cho biết anh "trở lại quê hương" lấy bằng MBA và tạo nên sự khác biệt với những người học thạc sĩ tại Mỹ.

Ba người này nằm trong dòng sinh viên phương Tây tới Trung Quốc du học, trải nghiệm văn hóa và du lịch. Họ coi việc học ở Trung Quốc như một lợi thế giúp thuận lợi hơn trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, ngày càng có nhiều sinh viên nước ngoài đến đây học tập. Năm 2011, tại Trung Quốc có tới gần 300.000 du học sinh nước ngoài.

Việc tăng số lượng sinh viên nước ngoài bằng cách cung cấp nhiều học bổng, phát triển cơ sở vật chất, là một chiến lược có chủ đích của chính phủ, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ của Trung Quốc trên toàn cầu, và mở rộng "sức mạnh mềm" của Bắc Kinh.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ và các nước ở châu Á, châu Âu, cũng đang đầu tư vào các chương trình nghiên cứu, thường là hợp tác với chính phủ Trung Quốc, để tạo ra một thế hệ sinh viên mới hiểu biết về đất nước này.

"Việc trao đổi sinh viên gắn liền với quan hệ ngoại giao", ông Gerard Postiglione, giáo sư tại Đại học Hong Kong, nhận định.

Sức mạnh mềm của giáo dục


Hiện nay, kế hoạch 5 năm của Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục với mục đích nâng cao chất lượng tại các viện nghiên cứu, các đại học trong cả nước, để thu hút được khoảng 500.000 sinh viên quốc tế vào năm 2020, theo Tân Hoa xã.

Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng việc dạy và học tiếng Quan Thoại và tiếng Anh. Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch tài trợ 50.000 học bổng cho sinh viên nước ngoài vào năm 2015.

"Hãy để ý tới các bài phát biểu của Tập Cận Bình kể từ khi trở thành chủ tịch nước, ông cho thấy rõ Trung Quốc muốn có sức mạnh mềm và sẽ sẵn sàng đầu tư vào đó. Đây cũng là những điều mà chính phủ Trung Quốc đang thực hiện, với các chương trình giáo dục quốc tế", Yang Rui, giáo sư tại Đại học Hong Kong cho biết.

Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu cũng đang đầu tư vào những chương trình khuyến khích sinh viên nước mình tới học tại Trung Quốc. Năm 2010, Mỹ đã phát động chương trình "100.000 Strong Initiative" (100.000 sự khởi đầu mạnh mẽ) nhằm tăng số lượng sinh viên Mỹ học tập tại Trung Quốc lên 100.000 người vào năm 2014.

Những cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên về giáo dục giữa EU-Trung Quốc được tổ chức hồi tháng 4 vừa qua. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ trao 30.000 học bổng cho sinh viên các nước thuộc khối EU trong năm tới.

Hàn Quốc là nước có nhiều sinh viên theo học tại Trung Quốc nhất, với hơn 60.000 người, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Nga, Indonesia và Ấn Độ. Châu Âu cũng có gần 50.000 sinh viên học tại Trung Quốc, dẫn đầu là Pháp với hơn 7.500 sinh viên và Đức với khoảng 5.400 người.

Thử thách về chất lượng


Sinh viên quốc tế cho rằng học tập tại Trung Quốc thú vị hơn ở phương Tây và lại có mức học phí thấp hơn đáng kể. Học phí trung bình tại các trường ở Trung Quốc là khoảng 1.000 USD/kỳ, bên cạnh đó tiền thuê nhà, ăn uống và các chi phí phát sinh cũng rẻ hơn so với phương Tây.

Vấn đề được đưa ra là chất lượng giáo dục ở đại học của Trung Quốc. "Trên các bảng xếp hạng quốc tế, hệ thống giảng dạy tại đại học ở Trung Quốc không giống các nước khác, tuy nhiên nó đã được cải thiện trong những năm gần đây", Nick Clark thuộc tổ chức nghiên cứu giáo dục tại New York có tên World Education Services nhận xét.

Giáo sư Yang Rui cũng đồng ý với nhận xét trên. Ông Yang cho biết, ông nhận được nhiều khiếu nại về chất lượng giảng dạy từ phía sinh viên nước ngoài, đặc biệt là ở các trường đại học địa phương.

Darryl Jarvis đến từ Viện giáo dục Hong Kong cho hay, các trường học ở Trung Quốc rất đa dạng nhưng lại chỉ có ít trường sử dụng tiếng Anh. Ông nói: "Rào cản lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc thu hút sinh viên nước ngoài là ở phương tiện giảng dạy. Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến với các doanh nghiệp và giới học thuật, trong khi Trung Quốc không thể thay đổi điều này chỉ trong thời gian ngắn".

Học tập bằng trải nghiệm


Mặc dù có nhiều học giả Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài và đã quay về nước, việc thu hút các giáo viên và nhà nghiên cứu có trình độ cao về tiếng Anh vẫn là một vấn đề lớn đối với nền giáo dục nước này.

Paul Gillis, một giáo sư người Mỹ tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng tuy chất lượng giảng dạy tốt, Trung Quốc vẫn không thể thu hút được nhiều giáo sư nước ngoài có trình độ cao nếu như họ không được trả lương phù hợp.

"Đây là thế kỷ của Trung Quốc. Tại đây, tôi có thể đào tạo cho những bộ óc sáng lạn nhất thế giới và được va chạm nhiều hơn bất cứ nơi nào", Gillis chia sẻ về lý do chọn dạy học ở Trung Quốc thay vì ở phương Tây. "Tôi nghĩ rằng tôi có một công việc tốt nhất trên thế giới trong 29 ngày của tháng, trừ ngày cuối lĩnh lương".

Để khắc phục điều này, Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào các trường học để vượt qua khoảng cách về chất lượng giáo dục với phương Tây. Chính phủ đã có những chương trình tài trợ đặc biệt để tăng tiêu chuẩn và thù lao trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy.

Đối với những sinh viên như Jonathan Oi, tuy nhận thấy các khiếm khuyết trong chương trình giảng dạy ở Đại học Bắc Kinh, nơi anh đang theo học, Oi cảm thấy được bù lại nhờ các bài học kinh nghiệm từ bên ngoài.

"Bạn không nên đến Trung Quốc để tìm kiếm một nền giáo dục như ở phương Tây bởi bạn sẽ thất vọng", Oi nói. "Trước đây, giáo dục với tôi là tất cả những gì thuộc về sách vở và chất lượng lớp học, tuy nhiên tôi nhận ra rằng những kinh nghiệm từ cuộc sống bên ngoài còn quý giá hơn".

Thu Hằng (theo CNN )

Học bổng du học Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu

Học bổng du học Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu


Học bổng Erasmus Mundus là học bổng toàn phần hệ thạc sĩ và tiến sĩ của Liên minh châu Âu (EU). Nếu như học bổng Erasmus trước đây chỉ dành cho sinh viên trong khối EU thì nay những nước bên ngoài, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển đều có cơ hội nhận học bổng.



Với Erasmus Mundus, sinh viên có thể học tập một học kỳ hoặc cả khóa học tại một đất nước châu Âu đã đăng ký từ trước.
Hội đồng châu Âu (EC) là cơ quan chịu trách nhiệm cho việc vận hành chương trình này. Ủy ban này chuyên quản lý tài chính và lập kế hoạch, đưa chỉ tiêu cũng như những tiêu chuẩn cho người nhận học bổng.

Học bổng Erasmus Mundus gồm hai chương trình chính:
Erasmus Mundus Joint Programmes: tham gia một khóa học thạc sĩ tại hai hoặc nhiều trường đại học khác nhau.
Erasmus Mundus partnerships: Học tại các trường đối tác ở châu Âu với một loạt ngành học, cấp học khác nhau.

Mục tiêu của chương trình là giúp các sinh viên xuất sắc theo học khóa thạc sĩ hoặc tiến sĩ Erasmus Mundus hợp tác tại hai hay nhiều hơn hai trường đại học ở châu Âu (trong tổng số khoảng 150 khóa học). Chuyện học mỗi năm một nước, bảo vệ tốt nghiệp lại ở một nước khác đã trở thành đặc điểm của sinh viên nhận học bổng này. Thời hạn hiệu lực của học bổng kéo dài theo từng khóa học, trung bình từ ba tháng đến ba năm.
Giá trị học bổng:

Erasmus Mundus là học bổng toàn phần bao gồm toàn bộ học phí và phí sinh hoạt, bảo hiểm, chi phí đi lại. Giá trị học bổng có thể lên tới 24.000 euro/năm cho khóa học thạc sĩ và từ 60.000 đến 130.000 euro cho ba năm tiến sĩ. Ngoài ra, bạn còn nhận được một sốưu đãi từ phía trường đối tác của Erasmus. Với Erasmus, bạn thực sự được hỗ trợ tối đa để thoải mái lên đường du học mà không phải quá lo lắng về vấn đề tài chính.

Lưu ý: Mỗi cá nhân có thể sẽ nhận được học bổng có giá trị khác nhau, phụ thuộc vào loại khóa học bạn đăng ký, thời gian học (ba tháng đến ba năm). Đặc biệt, học bổng cho sinh viên ngoài châu Âu sẽ cao hơn sinh viên quốc tịch châu Âu.
Số lượng học bổng:

Từ những năm 2009-2013, khoảng 53.000 suất học bổng thạc sĩ và 440 suất học bổng tiến sĩ được trao tặng cho sinh viên đến từ các nước đang phát triển, với tổng mức hỗ trợ tài chính hơn 950 triệu euro.

Từ khi thành lập đến nay, đã có hơn 300 sinh viên Việt Nam nhận được học bổng Erasmus Mundus.

Ngành học ưu tiên: Năm 2013-2014, khoảng 138 khóa học thạc sĩ và 43 khóa học tiến sĩ nằm trong danh sách học bổng Erasmus Mundus. Những ngành học được ưu tiên bao gồm: Nông nghiệp và thú y, kỹ thuật, sản xuất và xây dựng, Y tế và Phúc lợi, Nhân văn và Nghệ thuật, Khoa học, Toán Tin, Khoa học xã hội, Kinh doanh và Luật.
Hạn nộp hồ sơ
Hạn nộp phụ thuộc vào chương trình học bạn đăng ký. Tuy nhiên hạn đăng ký học bổng thường từ tháng 10 – tháng 1 hằng năm.
Nếu bạn tham dự khóa học 2014-2015, bắt đầu bằng kỳ học mùa thu (tháng 9-2014), hạn nộp học bổng của bạn sẽ trong khoảng tháng 10-2013 đến tháng 1-2014.

Điều kiện học bổng. Bạn được quyền đăng ký học bổng nếu:
Là công dân ngoài các nước thành viên EU
Không theo học/ làm việc tại một trong những nước EU hơn 12 tháng trong năm năm trở lại đây

Quy trình lựa chọn ứng viên nhận học bổng Erasmus Mundus khác nhau tùy vào khóa học và đất nước bạn định theo học, vì vậy bạn nên liên hệ trực tiếp với trường tổ chức khóa học thạc sĩ/ tiến sĩ bạn lựa chọn. Trường sẽ cung cấp các thông tin cần thiết bao gồm nội dung và cấu trúc khóa học, số lượng học bổng cũng như quy trình lựa chọn ứng viên và cách nộp đơn. Hướng dẫn đăng ký học bổng.

Bước 1- Bạn truy cập vào đây:

http://eacea.ec.europa.eu/erasmus_mundus/funding/scholarships_students_academics_en.php

Để chọn khóa học thạc sĩ:

http://eacea.ec.europa.eu/erasmus_mundus/results_compendia/selected_projects_action_1_master_courses_en.php

Để chọn khóa học tiến sĩ:

http://eacea.ec.europa.eu/erasmus_mundus/results_compendia/selected_projects_action_1_joint_doctorates_en.php

Hoặc tham khảo thông tin trên website chính thức của Erasmus Mundus:

http://eacea.ec.europa.eu/erasmus_mundus/funding/scholarships_students_academics_en.php#1

Bước 2: Sau khi chọn được ngành yêu thích, bạn tiếp tục truy cập vào trang web chính của khóa học để khai thác những thông tin chi tiết về nội dung chương trình học, đời sống sinh viên, thể lệ đăng ký…

Bước 3: Liên hệ trực tiếp đến trường tổ chức khóa học/ chuyên viên khóa học để nhận được thông tin và tư vấn.

3 sai lầm cần tránh khi xin visa du học Anh

3 sai lầm cần tránh khi xin visa du học Anh

Hồ sơ không đầy đủ, thiếu hồ sơ tài chính và phỏng vấn không đạt yêu cầu là những sai lầm mà nhiều học sinh, sinh viên mắc phải.

Chính phủ Anh vẫn tích cực với các chính sách, hoạt động nhằm thu hút sinh viên chất lượng cao từ các nước ngoài châu Âu. Tuy nhiên, hiện tượng sinh viên nước ngoài lạm dụng chính sách visa để đến Anh làm việc thay vì chuyên tâm vào sự nghiệp học tập buộc chính phủ Anh phải xem xét lại các chính sách nhập cư hiện có.Các thay đổi bao gồm những quy định mới về trình độ Anh ngữ, tài chính, kiểm tra sức khỏe và phỏng vấn bắt buộc.



Hàng năm, số lượng sinh viên bị từ chối visa cũng không nhỏ, nguyên nhân lớn nhất là do các bạn chưa có sự chuẩn bị kỹ càng và không nắm chắc về các quy định xin thị thực vào Anh quốc. 3 nguyên nhân chính dẫn tới việc từ chối thị thực và cách chuẩn bị :

Hồ sơ không đầy đủ, thông tin sai lệch

Một lỗi căn bản mà nhiều bạn mắc là không chuẩn bị hồ sơ xin visa sớm. Bạn cần phải chuẩn bị hồ sơ trước ngày nhập học ít nhất 3 tháng để tránh việc xét visa kéo dài hơn bình thường, gây ảnh hưởng đến việc học tập. Hơn nữa, việc chuẩn bị hồ sơ sớm cũng tạo điều kiện cho các bạn nộp đơn xin visa đợt hai nếu đợt đầu không thành công.

Nhiều bạn trượt visa do không mang theo đầy đủ các giấy tờ học tập như: bằng cấp, bảng điểm, chứng chỉ IELTS hay đơn giản là thông tin trên thư xác nhận nhập học (CAS) không chính xác. Điều này chứng tỏ bạn không có sự chuẩn bị kỹ càng và gây mất thời gian cho các chuyên viên tiếp nhận hồ sơ thị thực Anh quốc.

Tài chính không đạt yêu cầu

Yếu tố quan trọng nhất để được cấp visa du học là việc chứng minh tài chính, điều này cho thấy bạn có đủ khả năng theo học tại Anh quốc trong suốt thời gian của khóa học. Các lỗi căn bản thường thấy như sổ tiết kiệm mở chưa đủ, ít nhất 28 ngày, xác nhận số dư ngân hàng xin trước ngày nộp hồ sơ visa quá một tháng và được cấp khi tài khoản tiết kiệm chưa đủ ít nhất 28 ngày. Ngoài ra, tài khoản tiết kiệm dùng để xin visa phải do học sinh hoặc phụ huynh học sinh đứng tên mới có giá trị chứng minh tài chính. Tài khoản tiết kiệm mở bằng vàng, chứng khoán hay giá trị cổ phiếu cũng không có giá trị chứng minh tài chính.

Phỏng vấn không đạt yêu cầu

Các du học sinh đăng ký xin visa vào Anh phải đối mặt với yêu cầu trải qua bài kiểm tra phỏng vấn bắt buộc, thực hiện bởi Cục biên giới Vương quốc Anh (UK Border Agency – UKBA). Nếu có dấu hiệu dối trá trong khâu giấy tờ hoặc không bày tỏ được nguyện vọng du học Anh cũng như trải qua các bài kiểm tra tiếng Anh đàm thoại cơ bản, họ có thể sẽ bị từ chối thị thực. Những sinh viên không thể đến phỏng vấn cũng sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Anh nếu họ không đưa được lý do chính đáng.

Nếu tham gia phỏng vấn khi không nắm rõ các thông tin về khóa học, trường học, nhà ở tại Anh, đưa ra thông tin sai lệch, trả lời phỏng vấn như học thuộc lòng, bạn có thể bị từ chối visa. Các câu hỏi phỏng vấn thương xoay quanh những vấn đề đơn giản như: thông tin học sinh, mục tiêu học tập và khả năng đáp ứng yêu cầu về tài chính khi du học tại Anh. Mục tiêu của cuộc phỏng vấn nhằm kiểm tra tính trung thực của học sinh, sinh viên và khả năng tiếng Anh có đủ đáp ứng luật di trú.

Để vượt qua cuộc phỏng vấn này, các bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, có mục tiêu và kế hoạch học tập rõ ràng, trả lời câu hỏi đầy đủ, tránh sử dụng câu trả lời đơn giản "có" hoặc "không", đặc biệt là phải trung thực khi tham gia trả lời phỏng vấn.